Cũng giống như nhiều quốc gia khác, nền giáo dục Hoa Kỳ chia làm hai khối: Giáo dục công (do chính quyền điều hành và cung cấp tài chính) và giáo dục tư thục (do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp điều hành và cung cấp tài chính). Các bậc học cũng được chia thành Mầm non, Tiểu học, Trung học và các cấp học sau Trung học (như Học nghề, Cao đẳng, Đại học, sau Đại học).
Năm học tại Mỹ thường bắt đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9. Sau khi hoàn tất bằng Trung học, học sinh có thể lựa chọn để Học nghề, Cao đẳng hoặc Đại học. Sau khi hoàn tất bằng Đại học thì có thể học tiếp đến Cao học.
Hãy cùng Global Pathways tìm hiểu về các bậc học sau trung học tại Mỹ có gì đặc biệt
Hệ thống trường dạy nghề – Vocational/Technical Schools
Có rất ít du học sinh Việt Nam lựa chọn trường nghề khi du học Mỹ nhưng ở Mỹ, đây lại là lựa chọn khá phổ biến của học sinh bản địa. Trường nghề sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu thuộc một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như cơ khí, sửa chữa máy móc, hỗ trợ y khoa,…
Học phí tại các trường nghề thấp hơn khá nhiều so với cao đẳng hay đại học, thời gian học chỉ kéo dài 2 – 3 năm là có thể nhận bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ. Do vậy, phần lớn sinh viên học tại trường nghề vì sở thích hoặc muốn theo đuổi một ngành nghề nào đó. Một số người lớn tuổi cũng lựa chọn trường nghề để nhằm nâng cao chuyên môn của mình.
Trường Cao đẳng và Đại học – Colleges, Universities, Schools & Institutes
Khác với trường nghề chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực nhất định, hệ thống trường Cao đẳng và Đại học cung cấp cho sinh viên kiến thức bao quát phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng ở cấp cao hơn. Ở Mỹ, các trường cấp bằng cử nhân đều có thể được gọi là Colleges, Universities, Schools and Institutes. Trong đó, cao đẳng và học viện không trực thuộc đại học.
Colleges thường có xu hướng nhỏ hơn và chỉ cấp bằng cử nhân đại học trong khi University thì còn có khả năng đào tạo và cấp thêm các bằng cao học.
Một “Institute” (Học viện) thường chuyên về các chương trình cử nhân trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của viện. Ví dụ: Học viện kỹ thuật (Institute of technology), học viện thời trang (Institute of fashion), học viện nghệ thuật và thiết kế (Institute of art and design)…
Trong mỗi trường Cao đẳng và Đại học, bạn sẽ thấy có các khoa nhỏ (school) như Nghệ thuật (school of art), Khoa học (school of sciences), Kinh doanh (school of business),… Mỗi khoa sẽ chịu trách nhiệm về các chương trình lấy bằng của trường đại học trong một ngành học. Cơ cấu này cũng khá giống các trường Cao đẳng, Đại học tại Việt Nam.
Có hơn 4.000 trường cao đẳng, đại học trên toàn nước Mỹ thuộc cả khối trường công lẫn tư thục. Trong đó có rất nhiều trường thuộc top đầu của thế giới và là mơ ước của rất nhiều thế hệ học sinh muốn du học Mỹ bậc đại học.
Bậc Cao học
Sau khi tốt nghiệp Đại học và có bằng cử nhân, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn thì có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu để lấy một trong hai học vị:
Thạc sĩ – Master
Chương trình Thạc sĩ kéo dài khoảng 2 năm và bạn sẽ học chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể nào đó (thông thường sẽ là lĩnh vực liên quan đến chương trình Đại học mà bạn đã hoàn tất). Với chương trình Thạc sĩ, bạn vẫn phải ứng tuyển và chờ kết quả đánh giá từ nhà trường xem có đạt yêu cầu để theo học hay không.
Riêng bằng Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh (MBA) thì không yêu cầu bạn có học vấn cấp liên quan ở bậc Đại học.
Tiến sĩ – Doctor of Philosophy
Để đạt được học vị Tiến sĩ, bạn cần được trường Đại học công nhận luận án nghiên cứu của mình đã đáp ứng tiêu chuẩn bậc tiến sĩ, là hoàn toàn mới chưa từng có ai làm qua. Thời gian để thực hiện và hoàn thành luận án tiến sĩ có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm hoặc hơn tùy thuộc vào năng lực, môi trường, phạm vi nghiên cứu của từng nghiên cứu sinh. Do vậy, thông thường, các sinh viên muốn học cao hơn nữa và cực kỳ chuyên sâu về lĩnh vực của mình mới đặt mục tiêu để đạt học vị này.